time Hà Nội, emailEmail: cskh@fschool.vn
link-linkdin link-facebook link-twitter link-ggplus
Đề bài: Phân tích tài năng miêu tả tâm lí bậc thầy của Nguyễn Du qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Đề bài: Phân tích tài năng miêu tả tâm lí bậc thầy của Nguyễn Du qua đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích

Thứ tư, 28/9/2022, 08:30 AM

Chia sẻ

Văn mẫu lớp 9 - Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích thể hiện rõ bút pháp tả cảnh ngụ tình bậc thầy của Nguyễn Du, khắc họa thành công tâm trạng bi kịch của Thuý Kiều. Bài viết mẫu về Phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích sẽ giúp các em hiểu sâu sắc hơn.

Với kiệt tác Truyện Kiều, Nguyễn Du không chỉ thành công trong việc khắc họa chân dung nhân vật hay tả cảnh thiên nhiên bằng bút pháp tạo hình mà còn được tôn là bậc thầy khi miêu tả rõ nét tất cả những cung bậc tình cảm của con người trong rất nhiều cảnh huống bình thường, cũng như éo le của cuộc sống.

Nói đến tài năng miêu tả tâm lí bậc thầy của Nguyễn Du, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến trường đoạn: Kiều ở lầu Ngưng Bích. Nguyễn Du thật “khéo” đặt Kiều ở một hoàn cảnh thật éo le: Bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, một thân một mình tuyệt nhiên không có ai bầu bạn. Lầu Ngưng Bích – Ngưng đọng lại màu xanh, cái tên thật đẹp, thật tươi, nhưng lòng Kiều thì u sầu, buồn bã.

Khi ở trên lầu cao Kiều chỉ thấy một không gian bát ngát, cồn bãi nối tiếp nhau không dứt. Bao la quá mà tịnh không thấy một bóng người, không một hơi ấm của con người. Sự vắng lặng đến ghê người khiến Kiều chạnh lòng nghĩ về phận mình:

“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”

Có lẽ không có từ nào có thể diễn tả đúng hơn tâm trạng Kiều lúc này. Tủi hổ, thẹn thùng biết bao! Khi xưa ” Êm đềm trướng rủ màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai” vậy mà nay nàng lại rơi vào cái cảnh trớ trêu: bị lừa gạt bán vào lầu xanh, bị giam lỏng. Cô đơn, buồn tủi, chỉ có thiên nhiên làm bầu bạn, để chia sẻ nỗi niềm với nàng. Trong cảnh ngộ đó người nàng nhớ thương nhiều nhất chính là chàng Kim. Nguyễn Du thật tinh tế khi để cho Kiều nhớ người yêu trước, bởi từ ngày phải lìa xa cha mẹ Kiều luôn mang nặng nỗi đau mình đã lỗi hẹn ước với người yêu, với tình đầu sâu sắc mặn nồng. Kiều độc thoại với chính mình và có lẽ nàng mong chàng Kim nghe được những lời này:

“Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?”

Nguyễn Du thật hiểu Kiều khi dùng hình ảnh ẩn dụ” tấm son” để diễn tả tấm chân tình của Kiều với Kim Trọng. Câu hỏi mà lại là lời khẳng định đinh ninh lòng chung thuỷ sắt son không gì có thể làm nhạt phai.Ngôn ngữ độc thoại tiếp tục được tác giả sử dụng để diễn tả nỗi thương cha, nhớ mẹ của Kiều. Nghĩ tới đấng sinh thành nàng vẫn không thôi xót xa, day dứt:

“Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng, ấp lạnh những ai đó giờ?”

Đã dứt ‘chữ tình” để báo đền”chữ hiếu”, vậy mà Kiều vẫn thổn thức khi nghĩ đến cha mẹ già không ai chăm sóc. Lòng hiếu thảo của nàng sẽ mãi được người đời sau ca ngợi, như ý nguyện của Nguyễn Du.

Tám câu thơ cuối đoạn trích, Nguyễn Du tập trung toàn bộ bút lực để diễn tả tâm trạng Kiều trong cảnh ngộ đáng thương. Cô độc một mình trên lầu cao nên Kiều nhìn đâu cũng chỉ thấy buồn:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây, mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”

Tám câu thơ với rất nhiều biện pháp nghệ thuật được tác giả sử dụng để miêu tả sao cho thật tình, thật rõ tâm trạng của nhân vật. Nổi bật là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Có thể nói đây là đoạn tả cảnh ngụ tình hay nhất, đặc sắc nhất trong truyện Kiều. Tám câu thơ với 4 lần từ “buồn trông” được lặp lại là một bức tranh thiên nhiên rộng lớn mà vắng lạnh, gợi cảnh tan tác, chia li, bèo dạt, mây trôi, gió cuốn…Bức tranh đó chính là tấm gương phản ánh nội tâm chất chứa nỗi buồn khổ của Kiều. Nàng vốn đa sầu, đa cảm nên càng cảm thấy thấm thía, sâu sắc hơn ai hết nỗi cô độc, buồn tủi, hãi hùng như lớp lớp sóng dồi đang dâng lên trong lòng. Kiều dự cảm đó chính là bức tranh định mệnh của cuộc đời mình…

Có thể nói với đoạn trích này Nguyễn Du đã hoá thân là Kiều để có thể miêu tả diễn biến tâm lí của nhân vật một cách xác thực nhất. Tâm trạng của Kiều là một vòng tròn khép kín: Nhìn một khung cảnh vắng lặng và xa lạ. Kiều thấy tủi hổ, thương thân biết bao. Nghĩ đến thân mình, Kiều lại chạnh thương đến người yêu. Lại nhớ thương đến cha mẹ già.

Đối diện với thực tế phũ phàng nỗi buồn lại ập đến dài dặc, triền miên. Nỗi buồn khiến Kiều chỉ thấy cảnh vật thấm đẫm sự hoang vắng, tan tác với đầy những âm thanh đe dọa. Đó là vòng tròn tâm lí của sự bế tắc và tuyệt vọng. Nguyễn Du đã thật tài tình khi nắm bắt được sợi 2000 dây vô hình mà bền chặt giữa lòng người và cảnh vật:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”

Chỉ hơn 20 câu thơ đã bộc lọ rõ tài năng miêu tả tâm lí bậc thầy của Nguyễn Du. Đó là lí do chứng tỏ rằng chẳng phải 200 năm sau mà là mãi mãi người đời sau sẽ không chỉ khóc cùng Tố Như mà còn cúi đầu thán phục trước một nhà thơ có cái tâm, cái tài của một nhà tâm lí vĩ đại.

Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, người có “con mắt nhìn thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”. “Truyện Kiều” là tác phẩm thành công nhất của ông; đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” được trích từ “Truyện Kiều” diễn tả tinh tế, sâu sắc tâm trạng của Thúy Kiều trước cảnh vật.

Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” thuộc vào phần hai “Gia biến và lưu lạc”. Trích đoạn là khúc tâm tình đầy xúc động của cô gái trẻ lần đầu bước ra khỏi chốn “êm đềm trướng rủ màn che”. Với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, đoạn thơ như bản đàn nhiều cung bậc tâm trạng của nàng. Đó là nỗi cô đơn, buồn tủi, là tấm lòng thủy chung, hiếu thảo nàng dành cho người yêu và cha mẹ.

Dù đang miêu tả bức tranh tâm cảnh, là cảm xúc chủ đạo nhưng lí trí của nhà thơ vẫn sáng suốt khi xây dựng một kết cấu khá khoa học và chặt chẽ. Phần đầu là quang cảnh ở lầu Ngưng Bích; phần hai, trong nỗi nhớ nhung, cô đơn, sầu tủi, nàng nhớ về Kim Trọng và cha mẹ; và phần cuối là tâm trạng đau khổ khi nghĩ đến tương lai nhiều tai ương, sóng gió sẽ ập đến trong cuộc đời nàng.

Quang cảnh trong những vần thơ đầu đem đến cảm giác hoang vu, vắng lặng đến buồn thảm. Đứng trên lầu cao, nhìn ra phía xa là những dãy núi, nhìn lên cao là vầng trăng cô đơn giữa trời. Bốn bề xung quanh cũng chỉ là cồn cát bay mịt mù. Tất cả như tô đậm thêm nỗi quạnh vắng, cô quạnh đang xâm lấn trong tâm hồn nàng.

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia

Cảnh buồn khiến lòng người thêm lẻ loi, hiu quạnh hay lòng người vốn nặng trĩu ưu tư nên nỗi sầu muộn như lan tỏa, thấm đẫm vào cảnh vật
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.

Một từ láy “bẽ bàng” nhưng đã diễn tả được thật chân xác nỗi lòng nàng Thúy Kiều. Đó hẳn là tâm trạng vừa buồn tủi, vừa ngượng ngùng, vừa ê chề, vừa cay đắng, xót xa. Và chính tâm trạng ấy bắt gặp cảnh vật ngoài kia đã làm cõi lòng như càng thêm quặn thắt. Thiên nhiên không còn là những sự vật vô tri, vô giác nữa mà như sống động, có hồn bởi nó là tấm gương phản chiếu tâm trạng cô đơn, sầu tủi của nàng Kiều.

Từ trong nỗi cô đơn, phiền muộn, nàng hướng về quê hương, gia đình, những người thân quý. Nỗi nhớ đầu tiên, nàng dành cho Kim Trọng. Có lẽ bởi trước đó nàng bán mình chuộc cha để làm tròn chữ hiếu với cha mẹ, chỉ có chữ duyên với Kim Trọng, nàng phải trao lại cho em, nên hẳn trong lòng còn nhiều băn khoăn, day dứt khi để duyên ai phải lỡ làng.

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng.
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Nhịp thơ như nhịp trái tim yêu đang thổn thức, rỉ máu. Nỗi nhớ ấy thật thiết tha, nồng cháy. Nỗi nhớ trào lên khiến hình ảnh đêm thề nguyền, đính ước hiện ra chân thật, sống động ngay trước mắt nàng. Đó là hiệu quả diễn đạt vượt trội của từ “tưởng” mà Nguyễn Du đã khéo léo sử dụng trong những vần thơ đầu tiên diễn tả nỗi nhớ của nàng Kiều. Mới hôm nào, lứa đôi cùng thề nguyền, hẹn ước dưới trăng, vầng trăng còn đó mà giờ đây đã đôi người đôi ngả. Nàng tưởng tượng chàng Kim vẫn ngày ngóng đêm trông tin nàng trong đau khổ, tuyệt vọng. Nghĩ đến chàng, rồi lại nghĩ đến thân phận của mình, bơ vơ, lưu lạc nơi chân trời góc bể, đất khách quê người, biết bao giờ tấm lòng son sắt, chung thủy của nàng dành cho chàng Kim phai nhạt đi thì lúc ấy, có lẽ nàng mới bớt đau khổ, dằn vặt.

Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm

Sau nỗi nhớ người yêu đến quặn thắt, nàng càng xót xa khi nghĩ về cha mẹ. Không xót xa sao nổi khi nghĩ đến cảnh cha già, mẹ héo tựa cửa nhìn xa, ngóng trông tin con mòn mỏi. Rồi khi trời oi nóng, biết ai quạt mát cho cha mẹ yên giấc, khi trời giá lạnh, biết ai ấp ủ chăn ấm cho cha mẹ nằm. Các thành ngữ và điển cố “tựa cửa hôm mai”, “quạt nồng ấp lạnh”, “sân lai”, “gốc tử” để thể hiện nỗi xót xa, lo lắng, bồn chồn của người con có hiếu dù đang trong hoàn cảnh éo le, vẫn đau đáu nghĩ về cha mẹ trong niềm nhớ thương khôn nguôi.

Nỗi nhớ đầy vơi nàng dành cho những người thân yêu nhất, rồi nàng lại quay về với cảnh ngộ của chính mình. Mỗi cảnh vật đang hiện hữu trước mắt đều như khơi lên trong lòng nàng một nỗi buồn thê lương. Nỗi buồn ấy càng lúc càng nhấn chìm nàng xuống đáy sâu của vực thẳm đau khổ.

Nguyễn Du là đại thi hào dân tộc, cũng là người đã mang văn học của Việt Nam vươn xa ra thế giới qua tác phẩm Truyện Kiều. Tác phẩm là lời phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội phong kiến với bộ mặt tàn bạo của tầng lớp thống trị, là tiếng kêu đau thương của những số phận bị áp bức trong thời kì ấy. Và thông qua đó, ta có thể thấy được lòng thương cảm, tình yêu thương con người sâu sắc của tác giả. Đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" là một trong những đoạn trích hay nhất được trích từ tác phẩm này.

Đoạn trích nằm ở phần thứ hai "Gia biến và lưu lạc". Sau khi biết mình bị lừa vào chốn lầu xanh, Kiều uất ức định tự vẫn. Tú Bà sợ mất vốn, bèn lựa lời khuyên giải, cho người mua thuốc thang và hứa hẹn khi nàng bình phục, sẽ gả nàng cho một người đàn ông tốt nhưng thực chất là giam lỏng Kiều ở lầu Ngưng Bích, chờ thời cơ thực hiện âm mưu mới. Đoạn trích là những lời tự bộc bạch, là nỗi lòng cô đơn, buồn tủi của Kiều khi nhớ về người yêu, khi nghĩ về số phận đớn đau của đời mình.
Sáu câu thơ đầu gợi tả thiên nhiên nơi lầu Ngưng Bích với không gian và thời gian:

"Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm, đèn khuya
Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng"

Khung cảnh thiên nhiên được nhìn dưới con mắt của Thúy Kiều. Lầu Ngưng Bích, nơi giam lỏng nàng chính là nơi khóa tuổi xuân của Kiều lại. Hai chữ "khóa xuân" mà Nguyễn Du dành cho Kiều sao mà đớn đau, buồn bã đến thế! Một mình nơi lầu Ngưng Bích bao la, rộng lớn, Kiều chỉ có đám mây cùng với ngọn đèn bầu bạn. Nghệ thuật đối lập: "non xa" - "trăng gần" gợi một không gian rợn ngợp, không một bóng người, chỉ có mình Kiều với nỗi cô đơn, trống trải. Những cồn cát vàng gối đầu lên nhau, những bụi hồng ở xa kia dù biết Kiều đang chơi vơi, trơ trọi nhưng cũng không thể nào đến gần, bầu bạn với nàng được. Trước khung cảnh đượm buồn của buổi chiều tà, Kiều cảm thấy lòng mình như chia đôi, diễn tả nỗi chua xót, đau đớn của Kiều trong một vòng tuần hoàn khép kín của "mây sớm đèn khuya". Ngày nào cũng như vậy, vẫn những cảnh vật đó không hề thay đổi, chỉ có lòng người ngày càng buồn hơn.

Chính trong hoàn cảnh cô đơn nơi đất khách quê người, Kiều càng thấy nhớ người yêu:

"Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ"

Nhớ người yêu, Kiều nhớ đến khi nàng cùng Kim Trọng uống chén rượu thề dưới ánh trăng, nguyện ở bên nhau đến trọn đời. Ấy vậy mà giờ đây, tất cả chỉ còn là quá khứ. Nàng không thể ở bên người mình yêu, cũng không thể cùng chàng thực hiện lời nguyện ước. Ở bên ngoài kia, Kim Trọng vẫn luôn chờ đợi nàng, chàng đâu hề hay biết lời hứa năm nào đã tan thành mây khói, mà vẫn ngóng trông tin tức về Thúy Kiều. Càng thương Kim Trọng, Kiều càng đau xót cho thân phận của chính mình, bởi lẽ tấm lòng thủy chung, son sắt của nàng giờ không thể nào gột rửa được:

"Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai"

Sau khi nhớ người yêu, nàng nhớ tới cha mẹ của mình:

"Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt lồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm"

Ở đây, người đọc có thể cảm thấy một điều vô lí, rằng tại sao Kiều lại nhớ đến người yêu trước khi nhớ về cha mẹ của nàng? Ta có thể hiểu được khi Kiều phải bán mình chuộc cha, hy sinh chữ "Tình" để làm tròn chữ "Hiếu" thì hẳn là ở đây, Kim Trọng là người đau đớn hơn cả. Do đó, Kiều nhớ tới Kim Trọng trước tiên, là áy náy, cảm thấy có lỗi đối với chàng. Khi nhớ về cha mẹ, Nguyễn Du cho Kiều được thể hiện sự đau xót của nàng "Xót người tựa cửa hôm mai". Kiều đau đớn bởi vì nàng không thể phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc cha mẹ khi về già. Ở nơi quê nhà, không biết đã có ai thay Kiều quạt cho cha mẹ những khi trời nóng, chăm sóc cha mẹ khi ốm đau hay chưa? Một loạt thành ngữ "quạt nồng ấp lạnh", "cách mấy nắng mưa" cùng điển cổ "Sân Lai", "gốc tử" cho thấy tài năng tuyệt vời của tác giả.

Sau khi nhớ tới người thân, Kiều nghĩ về thân phận của mình. Tám câu thơ cuối là bức tranh thiên nhiên mang âm hưởng trầm buồn:

"Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi."

Điệp từ "buồn trông" được lặp lại bốn lần ở các câu thơ sáu chữ như trở thành điệp khúc, diễn tả nỗi buồn như đang dâng lên thành từng đợt, tạo thành con sóng lòng của Kiều. Nàng nhìn ra cửa bể, thấy thấp thoáng một bóng người bên cánh buồm của họ. Bóng người cô độc giữa non sông rộng lớn giống như sự đơn côi một mình của Kiều nơi lầu Ngưng Bích này. Chỉ có điều, nếu Kiều phải ở mãi nơi đây một mình, chưa biết ngày mai, thì người ngư dân đó đang bận rộn trở về đoàn tụ với gia đình sau một ngày làm việc vất vả. Hướng tầm mắt lại gần, Kiều trông thấy những cánh hoa đang trôi dạt, như là lênh đênh, là vô định trước cuộc đời. Những cánh hoa kia y hệt như cuộc đời của Kiều vậy. Cảnh vật cũng như buồn hơn dưới con mắt của Kiều, nàng nhìn đâu đâu cũng thấy bóng dáng những sự vật đơn độc, lẻ loi...

Hai câu thơ cuối là tâm trạng hoang mang, lo lắng, là khi những đợt sóng lòng của nàng trở nên dữ dội hơn:

"Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi"

Âm thanh của tiếng sóng dồn đến như cơn bão táp của nội tâm, là cực điểm cảm xúc trong lòng Kiều. Kiều sẽ phải làm gì với cuộc đời phía trước đây? Tám câu thơ cuối quả thực là tám câu thơ rất hay, mở ra một bức tranh thiên nhiên đối sóng với tâm trạng của Kiều, qua đó thấy được tài năng tả cảnh cũng như miêu tả tâm lí của nhà thơ.
Đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" với đoạn mở đầu là bức tranh thiên nhiên, kế đến là lời độc thoại của nhân vật và kết thúc lại bằng một bức tranh thiên nhiên. Điệp khúc vòng cho thấy cái nét độc đáo trong cách làm thơ của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, đồng thời gieo vào lòng ta niềm thương cảm sâu sắc trước số phận của nhân vật Kiều.

Tin tức mới nhất

Điểm chuẩn vào lớp 10 ở Hà Nội ba năm qua

Điểm chuẩn vào lớp 10 ở Hà Nội ba năm qua

Thứ hai, 15/4/2024, 02:31 AM

Hà Nội có gần 120 trường THPT công lập không chuyên, mỗi năm tuyển khoảng 81.000 học sinh. Thành phố thường tổ chức kỳ thi lớp 10 vào đầu tháng 6 hàng năm

Học liệu mới nhất

logo-FSchool
Kiến tạo thế hệ ưu tú
CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ GIA ĐÌNH (FTECH CO., LTD)
đã xây dựng thành công một đội ngũ kỹ sư Al/Phần mềm tuyệt vời. Chúng tôi đang tìm cách phát triển quan hệ đối tác chiến lược với các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực mà Al thực sự có thể tạo ra đột phá.
Điều khoản dịch vụ
LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI:
address
Địa chỉ: Số 21 Ngõ Giếng, Phố Đông Các, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
phone Hotline: 083 8888 966 mail Email: cskh@fschool.vn earth Website: fschool.vn

KẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI:

link-linkdin link-facebook link-twitter link-ggplus
2021-2022 © Fschool. All Rights Reserved.