Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành (4 tháng 10 năm 1920 – 9 tháng 12 năm 2002; quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) là một nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam, đồng thời ông còn là một chính khách, một cán bộ cách mạng lão thành. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (Nay là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ) nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tố Hữu tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành. Sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920 tại Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, là con út trong gia đình. Đến năm 9 tuổi, ông cùng cha trở về sống tại làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cha ông là một nhà nho nghèo, không đỗ đạt và phải kiếm sống rất chật vật nhưng lại thích thơ, thích sưu tập ca dao tục ngữ. Ông đã dạy Tố Hữu làm thơ cổ. Mẹ ông cũng là con của một nhà nho, thuộc nhiều ca dao dân ca Huế và rất thương con. Cha mẹ đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn thơ Tố Hữu.
Mẹ ông mất vào năm ông lên 12 tuổi. Năm 13 tuổi, ông vào trường Quốc học Huế. Tại đây, được trực tiếp tiếp xúc với tư tưởng của Karl Marx, Friedrich Engels, Vladimir Ilyich Lenin, Maxim Gorky,... và qua sách báo, kết hợp với sự vận động của các đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam bấy giờ (Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu), Nguyễn Kim Thành sớm tiếp cận với lý tưởng cộng sản. Năm 1936 ông gia nhập Đoàn thanh niên Dân chủ Đông Dương.
Tố Hữu không chỉ là một nhà thơ mà ông còn là nhà chính trị, chiến sỹ cách mạng trung thành với lý tưởng cộng sản thế nên thơ của ông tiêu biểu là quan niệm nghệ thuật cách mạng.
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, sống dưới sự áp bức bóc lột nặng nề của chế độ thực dân phong kiến. Tố Hữu hiểu được sự đau khổ và gian truân của nhân dân ta, thế nên ông đã sớm có ý thức dân tộc rất cao.
Ở Tố Hữu có sự thống nhất đẹp đẽ giữa cuộc đời và thơ ca, chặng đường sự nghiệp sáng tác của ông chính là chặng đường lịch sử của cả một dân tộc. Ông được tôn vinh là “nhà thơ của cách mạng”, “nhà thơ của nhân dân”, “ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam”, “người có công đầu xây dựng nền thơ ca cách mạng Việt Nam”, "một cuộc đời trọn vẹn với Cách mạng - Nghệ thuật - Tình yêu”, “nhà thơ của chủ nghĩa nhân văn cách mạng”.
Nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu có bài thơ Từ ấy. Bài thơ thể hiện lý tưởng cao đẹp của anh thanh niên yêu nước đó chính là tác giả, nguyện cống hiến cả cuộc đời mình cho lý tưởng cách mạng. Ở thời điểm ấy, bài thơ không chỉ là tiếng lòng của Tố Hữu mà nó còn là nỗi niềm của rất nhiều người.
- Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
- Kính gửi cụ Nguyễn Du
- Khi con tu hú, Lao Bảo
- Lạ chưa
- Lượm
- Mẹ Suốt
- Mẹ Tơm
- Mồ côi
- Một tiếng đờn
- Miền Nam
- Mưa rơi,…
- Giải nhất Giải thưởng Văn học Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955 (tập thơ “Việt Bắc”)
- Giải thưởng Văn học ASEAN của Thái Lan năm 1996 cho tập thơ “Một tiếng đờn”.